Hiện tượng ồ ạt mua test nhanh COVID-19 sử dụng tràn lan trong cộng đồng gây ra một áp lực rất lớn cho nguồn cung vật tư y tế.
Video: Tự test nhanh COVID-19 cần tránh những sai lầm này
Dùng test kit để phát hiện COVID-19 không còn là điều mới mẻ nhưng phần đông người dân vẫn mắc sai lầm do hiểu không chính xác những nguyên tắc ‘vàng’ khi sử dụng.
Sai lầm thời điểm và quy trình
Do hoang mang, lo sợ khi tiếp xúc với người bệnh, mọi người thường mua ngay test kit để chẩn đoán. Điều này là một sai lầm mà nhiều người mắc phải do chưa hiểu đúng về bản chất của sự lây lan dịch bệnh.
Cụ thể, virus trong quá trình lây nhiễm vật chủ mới cần một thời gian nhất định để có thể nhân lên, hình thành đủ tải lượng mới có thể sử dụng chẩn đoán bằng que test tại chỗ. Do đó, người nghi nhiễm nên thực hiện test nhanh sau 3-4 ngày khi đã tiếp xúc với nguồn bệnh (theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai). Các trường hợp còn lại chỉ nên sử dụng test kit khi có các biểu hiện nghi ngờ rõ ràng hơn như: ho khan, sốt, chảy nước mũi, đau mỏi các cơ…
Thêm vào đó, thực hiện không đúng hướng dẫn sử dụng và quy trình test cũng khiến cho kết quả thực hiện không chính xác, phải test đi test lại nhiều lần gây nên lãng phí.
Sai sót đầu tiên thường thấy là lấy sai mẫu bệnh phẩm. Ví dụ, sản phẩm test xét nghiệm nhanh được thiết kế để lấy và xét nghiệm mẫu dịch tỵ hầu nhưng người lấy mẫu lại lấy nhầm sang dịch mũi hoặc ngược lại.
Người dân được hỗ trợ test COVID-19 tại nhà. Ảnh: NGUYỆT NHI
Sai lầm thứ hai là tăm bông không được đưa đến vị trí cần đến trong quá trình lấy mẫu. Ví dụ trường hợp khi lấy dịch tỵ hầu thì thành sau của dịch tỵ hầu là nơi mà tăm bông phải được đưa đến. Nếu tăm bông quá nông, không đến được thì kết quả sẽ không chính xác.
Sai lầm thứ ba là không vắt được hết dung dịch trong đầu tăm bông vào dung dịch đệm trong quá trình xử lý mẫu, làm cho kết quả bị sai lệch.
Sai lầm thứ tư là đọc kết quả sớm hoặc trễ hơn thời gian đã được nhà sản xuất khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của sản phẩm test.
Sau nhiễm thì nên test kiểm tra lại khi nào?
Trong trường hợp người bệnh đang dương tính với COVID-19, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bản thân qua các triệu chứng biểu hiện, họ có thể làm lại xét nghiệm nhanh sau khoảng từ 3-5 ngày để theo dõi bệnh.
Tuy nhiên, thông thường người bệnh nên làm lại xét nghiệm nhanh sau khoảng bảy ngày kể từ ngày phát hiện dương tính hoặc khi thấy đã không còn các triệu chứng.
Vì độ chính xác của xét nghiệm kháng nguyên nhanh chỉ dừng ở mức tương đối. Do vậy người bệnh nên cách ly thêm hai ngày trọn vẹn sau khi có kết quả âm tính hoặc dùng xét nghiệm PCR để cho ra kết quả chuẩn xác về nồng độ virus còn lại trong cơ thể.
Các quy định của Bộ y tế về đối tượng F0 Dưới đây là định nghĩa về các đối tượng cụ thể theo điều chỉnh của Bộ Y tế. Thứ nhất, ca bệnh xác định (F0) sẽ là: Người có kết quả xét nghiệm dương tính bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR); Người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính; Người có biểu hiện lâm sàng nghĩ mắc COVID-19 (ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính và có yếu tố dịch tễ); Người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp. Thứ hai, người tiếp xúc gần (F1) được hiểu là: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng hai mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân. |
Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/tu-test-nhanh-covid19-can-tranh-nhung-sai-lam-nay-1046916.htmlNguồn: https://plo.vn/suc-khoe/tu-test-nhanh-covid19-can-tranh-nhung-sai-lam-nay-1046916.html
Từ khi biến thể Omicron bùng nổ, đã xuất hiện những thông tin và lo lắng cho rằng việc test nhanh tại nhà ít nhạy hơn đối với biến thể Omicron so với Delta.