Cụm từ ‘tái nhiễm Covid- 19’ đã trở nên quen thuộc. Nhiều người thắc mắc là tại sao có người tái nhiễm Covid-19 chỉ trong 1 tháng, người lại 3 tháng; hay có người triệu chứng khi tái nhiễm nặng hơn lần nhiễm đầu, người lại nhẹ hơn…
BS. Nguyễn Minh Tiến, PGĐ BV Nhi đồng TPHCM cho biết, có 2 dạng tái nhiễm. Một dạng chung tác nhân, tức cùng một biến thể, dạng thứ hai khác tác nhân tức biến thể khác. Tái nhiễm chung tác nhân theo nghiên cứu khoảng 3 tháng mới tái nhiễm, một số tài liệu ghi nhận 6 tháng. Bởi kháng thể của một bệnh nhân có thể kéo dài đến 6-7 tháng. Ở một số bệnh nhân có trí nhớ miễn dịch thì sẽ không bị nhiễm lại.
Còn tái nhiễm khác tác nhân thì có thể khoảng 1 tháng. Ví dụ, một người nhiễm Omicron biến thể BA.1 thì khoảng 1 tháng có thể nhiễm biến thể BA.2.
Hiện Bộ Y tế chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ người tái nhiễm. Theo nhận định của bác sĩ Tiến, tỷ lệ tái nhiễm là không cao, dù việc thống kê có nhiều khó khăn.
Ghi nhận thực tế trong quá trình tư vấn cho F0, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng), cho biết trước đây một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0, hiện tại khoảng 40-50 F0 mỗi ngày. Trong đó có 15-20% bệnh nhân đã khỏi bệnh, song lại xét nghiệm dương tính sau 1,5 – 2 tháng.
Bác sĩ Hoàng nhận định, các bệnh nhân này có thể bị tái nhiễm biến thể mới. “Khả năng cao họ đã nhiễm Detla và hiện giờ là nhiễm Omircon”, ông Hoàng nói.