Mới đây, kháng thể đơn dòng Evusheld do AstraZeneca sản xuất, dùng trong dự phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế chính thức cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Nhiều luồng thông tin cho rằng đây là “siêu văcxin” vì giúp tạo ra kháng thể thần tốc trong vài giờ, bảo vệ được nhóm đối tượng nguy cơ một cách tối ưu.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California (Hoa Kỳ) cho biết, Evusheld là thuốc được nghiên cứu và phát triển từ huyết thanh của người nhiễm Covid-19, trong thành phần có 2 kháng thể đơn dòng Tixagevimab và Cilgavimab.
Khi SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, 2 kháng thể trên sẽ bám vào protein S của virus và trung hòa nó, làm nó không xâm nhập được vào tế bào. Tuy nhiên, nó không dạy các tế bào miễn dịch của cơ thể nhận biết virus.
Hơn nữa, Evusheld không có tác dụng hết với mọi biến thể của virus, như với biến thể Omicron chỉ trung hòa được khoảng 15-30%. Và khi virus ngày càng sinh ra nhiều biến thể mới, giá trị phòng bệnh của Evusheld cũng sẽ giảm theo. Đặc biệt, 2 kháng thể đơn dòng có trong sản phẩm cũng chỉ tồn tại trong cơ thể khoảng 6 tháng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, các kháng thể đơn dòng trước đây được cấp phép chủ yếu cho điều trị Covid-19 thể nhẹ và trung bình, còn Evusheld là sản phẩm đầu tiên với vai trò thay thế văcxin phòng ngừa, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Loại thuốc này dùng được cho những người không đáp ứng được miễn dịch (như bệnh nhân ung thư đang hóa trị) hoặc chống chỉ định, dị ứng với văcxin.
Evusheld có thể tạo kháng thể bảo vệ khoảng 77%, trong khi đó ở vắc xin là 77-95%.
Miễn dịch của Evusheld chỉ có kháng thể mà không tạo ra tế bào có trí nhớ miễn dịch để sản sinh kháng thể mới (miễn dịch thụ động), nên không thể tốt bằng miễn dịch thông thường (miễn dịch chủ động) trong cơ thể.