Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn xác định mức độ mắc COVID-19 ở trẻ để quyết định chăm sóc tại nhà hay đưa đến bệnh viện.
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương
Theo PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em là một trong những nhóm tuổi có nguy cơ mắc COVID-19 tương tự các nhóm tuổi khác, có cao hơn ở trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Và thực tế là số ca mắc COVID-19 trẻ em đang tăng mạnh những ngày qua tại khu vực Hà Nội. Khi phát hiện trẻ nhiễm bệnh, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh để đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh và có những cách chăm sóc phù hợp cho trẻ.
Bình tĩnh xử trí là yếu tố tiên quyết
Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ, với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi <12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỉ lệ nhập viện ít hơn so với người lớn (chỉ 1-2%). Khi phát hiện con mình nghi nhiễm hoặc đã nhiễm cha mẹ cần bình tĩnh đánh giá nguy cơ của trẻ theo các yếu tố: nhiệt độ, tri giác, biểu hiện ho, khó thở, nôn, tiêu chảy, ăn uống kém,…
Đánh giá đúng mức độ mắc bệnh của trẻ để có hướng xử lý phù hợp.
Có thể phân loại trẻ mắc COVID-19 theo 4 mức độ, gồm:
Mức độ nhẹ: Trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi. Nhịp thở trẻ bình thường, không có biểu hiện của thiếu oxy.
Mức độ trung bình: Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhẹ, vẫn tỉnh táo nhưng mệt, ăn uống ít, sốt cao không hạ nhiệt, môi khô, tiểu ít. Các biểu hiện không tiến triển trong 24 – 48h, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) 94–95%.
Mức độ nặng: Trẻ có một trong các dấu hiệu gồm triệu chứng viêm phổi nặng nhưng chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trẻ thở nhanh kèm co rút ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi, khó chịu, quấy khóc, ăn uống khó, sốt cao liên tục.
Mức độ nguy kịch: Trẻ có các dấu hiệu như suy hô hấp nặng SpO2 dưới 90%, cần đặt nội khí quản. Kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng như tím tái, rối loạn nhịp thở, ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê, bỏ hoặc không ăn uống được.
Khi trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ thì trẻ nên được chăm sóc, điều trị tại nhà. Việc chăm sóc trẻ cần tuân theo hướng dẫn, tránh việc tự ý dùng thuốc. Người chăm sóc cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tránh tình trạng “lựa chọn bệnh viện” không cần thiết, ảnh hưởng đến thời điểm “vàng” xử lý các biến chứng của trẻ.
Nguồn: http://danviet.vn/gd-bv-nhi-tu-huong-dan-xac-dinh-muc-do-mac-covid-19-o-tre-khi-nao-can-dua-tre-…Nguồn: http://danviet.vn/gd-bv-nhi-tu-huong-dan-xac-dinh-muc-do-mac-covid-19-o-tre-khi-nao-can-dua-tre-den-benh-vien-502022139591183.htm
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và gia tăng số lượng người mắc trong đó có nhiều trẻ em. BS. Đào Trường Giang, chuyên khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội tư vấn…