Mệt mỏi là một trong những triệu chứng COVID-19 phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến khoảng 8/10 người trưởng thành.
Mệt mỏi thường bao gồm cảm giác buồn ngủ hoặc thiếu năng lượng, nhưng mọi người có thể trải nghiệm tình trạng này theo nhiều cách khác nhau.
Sự mệt mỏi có thể bao gồm sương mù não, đau đầu, đau nhức cơ, ra quyết định kém, cáu kỉnh, các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn, mờ mắt và kém tập trung…
1. COVID-19 gây mệt mỏi thế nào?
TS. Scott McClelland, tại UW Medicine ở Seattle cho biết, mệt mỏi có liên quan đến nhiều bệnh tật, nhưng với COVID-19 là sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Một trong những yếu tố đó là phản ứng miễn dịch của cơ thể. Với COVID-19, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, giải phóng các hóa chất gọi là cytokine gây viêm, sốt và chết mô.
Sau loại phản ứng căng thẳng này, cơ thể cần phải chuyển sang chế độ nghỉ ngơi và phục hồi, điều này gây ra tình trạng mệt mỏi. Nó tương tự như những gì xảy ra sau khi bạn gắng sức quá mức với các bài tập thể dục nghiêm ngặt hoặc chạy marathon.
Theo các nhà nghiên cứu, mệt mỏi là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tự chữa lành. Khi có cảm giác mệt mỏi, bạn nên quan tâm, nhưng hãy nhớ rằng đây là trạng thái tự nhiên, cơ thể đang tạo ra phản ứng miễn dịch và yêu cầu bạn cần nghỉ ngơi.
2. Mệt mỏi do COVID có khác với mệt mỏi do các virus khác gây ra không?
TS. McClelland cho biết, rất nhiều người đã từng bị COVID-19 mô tả sự mệt mỏi mà họ cảm thấy tồi tệ hơn bất cứ lúc nào trong đời. Đó chắc chắn là một đặc điểm độc đáo của căn bệnh này.
Mức độ mệt mỏi có thể liên quan đến mức độ và loại viêm do nhiễm virus. COVID-19 là một bệnh toàn thân, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như toàn bộ niêm mạc đường hô hấp, thận, tế bào mỡ, các bộ phận của não… Khi viêm xảy ra, đối phó với tình trạng viêm khiến có thể mệt mỏi.
Sự tổn thương tinh thần do COVID-19 cũng là một yếu tố làm cho tình trạng mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn: Theo dõi sự tiếp xúc, cảm giác tội lỗi và sợ hãi về việc có thể làm lây nhiễm cho người khác, tự trách bản thân khi để mình mắc bệnh… Tất cả những điều này gây ra phản ứng căng thẳng trong cơ thể và dẫn đến mệt mỏi.
Mệt mỏi là một triệu chứng của COVID-19.
3. Mệt mỏi do COVID-19 kéo dài bao lâu?
Theo dữ liệu thu thập được trong Nghiên cứu ZOE COVID, mệt mỏi thường xảy ra trong tuần đầu tiên của bệnh và kéo dài trung bình từ năm đến tám ngày, mặc dù một số người có thể bị mệt mỏi liên quan đến COVID-19 trong hai tuần hoặc lâu hơn.
Mức độ nghiêm trọng của sự mệt mỏi thường tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh tật. Bệnh càng nặng thì tình trạng mệt mỏi càng kéo dài. Đối với những người phải nhập viện chăm sóc đặc biệt do COVID-19, có thể mất vài tháng trước khi họ trở lại trạng thái trước khi bị bệnh.
Đối với những người bị COVID-19 nhẹ đến trung bình, điều trị tại nhà, có thể chỉ mất một hoặc hai tuần để giảm bớt mệt mỏi.
4. Làm gì để giảm mệt mỏi do COVID-19?
Để hỗ trợ bạn phục hồi sau COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị:
– Dùng thuốc không kê đơn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen để giảm sốt và đau nhức cơ…
– Uống nhiều nước
– Nghỉ ngơi nhiều
Để kiểm soát sức khỏe và giảm bớt các triệu chứng mệt mỏi khi bị ốm hoặc sau COVID, bạn nên:
– Chấp nhận rằng mệt mỏi là một tác dụng phụ thực sự khi mắc COVID-19.
– Đảm bảo có một giấc ngủ ngon, điều này có thể giúp cơ thể bạn bảo toàn năng lượng.
– Hãy thử các phương pháp thư giãn như thiền chánh niệm, liệu pháp hương thơm, yoga… Chúng có thể giúp giảm căng thẳng và các triệu chứng mệt mỏi.
– Lập kế hoạch trước về những gì bạn có thể hoàn thành với năng lượng hạn chế.
– Ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, sẽ giúp bạn chỉ dành năng lượng cho những việc cần phải làm.
Vận động nhẹ nhàng có thể giúp giảm mệt mỏi.
Cố gắng duy trì hoạt động: Nhiễm virus có thể tiêu hao năng lượng, nhưng vận động và tập thể dục nhẹ nhàng có thể tiếp thêm sinh lực cho bạn.
Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để giải phóng năng lượng tích tụ từ căng thẳng và lo lắng, giúp chúng ta tránh mắc sai lầm hoặc bộc phát cảm xúc. Nó cũng giải phóng endorphin giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.
Viết nhật ký về tất cả những thứ có thể khiến bạn mệt mỏi hoặc khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Điều này sẽ giúp bạn tránh xa các hoạt động tiêu hao năng lượng.
Ăn những thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Giữ đủ nước.
5. Khi nào nên đi khám?
Nếu bạn đã mắc COVID-19 và nhận thấy các triệu chứng mệt mỏi của mình kéo dài hơn 2 đến 3 tuần, tốt nhất hãy trao đổi với bác sĩ. Hoặc đi khám nếu:
– Sự mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn
– Các triệu chứng không thay đổi sau 4 tuần
– Lo lắng hoặc có các triệu chứng mới khác
TS. McClelland cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủng ngừa COVID-19 để giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc phát triển COVID-19 nghiêm trọng nếu bạn bị nhiễm bệnh.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/covid-19-gay-met-moi-phai-lam-sao-169220305171050664.htmNguồn: https://suckhoedoisong.vn/covid-19-gay-met-moi-phai-lam-sao-169220305171050664.htm
Ngày càng nhiều người tái mắc COVID-19 chỉ sau 1-2 tháng khỏi bệnh. Vậy một người có thể tái mắc COVID-19 bao nhiêu lần? Hãy tiếp tục theo dõi để có câu trả lời.