Các nhà khoa học Thụy Điển, Anh và Phần Lan so sánh hơn 1 triệu người từng nhiễm nCoV với 4 triệu bệnh nhân không mắc bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2021.
Họ phát hiện từ ba tháng sau khi dương tính, người bệnh tăng 4% nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, một dạng máu đông trong đùi hoặc cẳng chân. Người bệnh cũng có 17% khả năng phát triển chứng thuyên tắc phổi, cục máu đông trong mạch máu và di chuyển đến động mạch phổi trong 6 tháng kể từ khi dương tính.
Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả này bổ sung thêm bằng chứng về Covid-19 và tình trạng đông máu nghiêm trọng, đồng thời cung cấp thêm thông tin các di chứng của bệnh có thể kéo dài bao lâu.
“Những phát hiện này có ý nghĩa lớn, nó củng cố tầm quan trọng của việc tiêm chủng ngăn ngừa Covid-19”, tác giả nghiên cứu cho biết.
Họ cũng nhận định bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là người có nguy cơ cao, nên dùng thuốc chống đông máu.
Trong suốt thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học ghi nhận 401 huyết khối tĩnh mạch sâu ở nhóm dương tính Covid-19, nhiều hơn so với 267 ca ở người âm tính. Số ca thuyên tắc phổi ở người nhiễm virus là hơn 1.700, trong khi người không nhiễm là 171.
Bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ đông máu cao hơn nếu họ mắc các bệnh lý tiềm ẩn, có triệu chứng nghiêm trọng hoặc nhiễm bệnh trong đợt dịch đầu tiên vào năm 2020.
Bên cạnh nguy cơ đông máu, nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng xuất huyết sau hai tháng ở người nhiễm Covid-19.
Hiện chưa rõ cơ chế sinh học liên quan đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch và thuyên tắc phổi. Các nhà khoa học đưa ra những giả thuyết khác nhau.
Nghiên cứu từ Viện Y học Michigan và Viện Phổi Quốc gia Mỹ cho thấy các kháng thể sản sinh quá mức từ lần mắc Covid-19 khiến tế bào máu mất đi đặc tính chống đông. Nghiên cứu khác từ Trường Y Đại học Yale chỉ ra rằng protein cụ thể được sản xuất bởi các tế bào nội mô – tế bào lót các mạch máu – do sự viêm nhiễm từ virus và dẫn đến cục máu đông.